Học tập và thi cử luôn là điều khiến nhiều bạn học sinh, sinh viên cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Áp lực của các kì thi với một lượng lớn kiến thức phải học khiến nhiều bạn rơi vào tình trạng quên trước quên sau, dù học nhiều lần vẫn không thể ghi nhớ được các kiến thức vào đầu, hay bỏ sót một vấn đề nào đó, gây ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập. Để có thể khắc phục được tình trạng này, bạn cần tìm cho mình những phương pháp giúp rèn luyện khả năng ghi nhớ. Dưới đây mà một số phương pháp giúp bạn thoát khỏi tình trạng mau quên của mình.
Hiểu rõ nội dung cần ghi nhớ
Để có thể ghi nhớ bài học một cách lâu hơn và hiệu quả hơn, bạn không nên chỉ chăm chăm học thuộc lòng từng câu từng chữ mà hãy đi sâu vào bản chất của mọi vấn đề, nhìn nhận về nó thực rõ rồi mới tập trung ghi nhớ. Cách làm này sẽ giúp bạn thoát khỏi trường hợp học vẹt, mới đầu thì nhớ nhưng nhanh chóng quên đi. Bởi khi chúng ta nắm rõ được cốt lõi của vấn đề, ta sẽ luôn định hình được vấn đề trong đầu và dễ dàng lấy nó ra khi cần dùng đến.
Liên tưởng, mở rộng vấn đề
Bằng việc liên tưởng, những vấn đề đã được đưa vào bộ nhớ của chúng ta sẽ liên kết lại với nhau, tạo ra các mối liên hệ mật thiết tác động trực tiếp tới não bộ. Từ đó, ta sẽ ấn tượng về chúng hơn, có khả năng ghi nhớ về những vẫn đề này tốt hơn, và hình thành những tư duy sáng tạo mới. Khi các thông tin được xâu chuổi lại với nhau, chúng sẽ liền mạch và logic hơn, từ đó ta sẽ khó có thể bỏ xót được các vấn đề quan trọng. Ngoài ra, từ sự liên tưởng và mở rộng vấn đề, sự tư duy, óc sáng tạo của con người còn được cải thiện.
Áp dụng vấn đề vào thực tế
Các hoạt động trong thực tế sẽ làm bộ não chúng ta hoạt động linh hoạt, hiểu quả hơn trong quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin. Thay vì cố ngồi học những con chữ có trong sách vở, bạn nên liên hệ chúng với thực tế, tư duy của bạn sẽ tốt hơn và hiểu rõ về vấn đề hơn.
Đặt ra nhiều câu hỏi cho các vấn đề
Một phương pháp giúp cải thiện tư duy, tăng cường trí nhớ nữa đó chính là đặt câu hỏi cho các vấn đề đang xảy ra xung quanh ta. Khi chúng ta tự đặt ra câu hỏi cho bản thân mình thì có nghĩa là bạn đang tư duy về vấn đề đó và não được hoạt động. Không chỉ vậy, việc đặt ra những câu hỏi sẽ giúp ta nắm được tường tận bản chất vấn đề và khi bộ não nhận lại các thông tin trả lời, nó sẽ lưu giữ thông tin bền lâu hơn.
Ghi chú để nhớ lâu
Trong quá trình ôn luyện, học tập, để có thể nhớ lâu hơn về các vấn đề bạn nên kết hợp giữa việc học và ghi chép. Việc ghi chú lại những nội dung quan trọng, những ý chính của bài sẽ khiến bộ não được tập trung hơn và nhận lại các thông tin để ghi nhớ.
Đọc sách
Không chỉ giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau những giờ học ở trường và tại nhà, mà nó còn giúp bạn rèn luyện được khả năng tập trung cũng như ghi nhớ các chi tiết một các chọn lọc. Từ đó, bạn sẽ cải thiện được khả năng phân tích và tổng hợp vấn đề, giúp cho não bộ được hoạt động linh hoạt, hiểu quả hơn. Ngoài ra, khi tạo cho mình một thói quen đọc các quyển sách hàng ngày, vốn từ của bạn cũng sẽ trở nên phong phú hơn, và bạn có thêm nhiều kiến thức mới.
Lặp lại nhiều lần những điều cần ghi nhớ
Lặp lại những điều cần ghi nhớ là một phương pháp rất hiệu quả giúp chúng ta có thể khắc sâu vấn đề vào trí óc một cách tường tận và rõ ràng nhất. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, trí nhớ có sự lặp đi lặp lại nhiều lần là trí nhớ “cơ bắp”. Việc rèn cho mình một trí nhớ “cơ bắp” sẽ giúp bạn có trí nhớ tốt hơn và tạo ra các phản xạ tự nhiên với các vấn đề đã được ghi nhớ trong não bộ. Đây là một cách hay để học ngoại ngữ đấy!