Năm 2017 bộ GD&ĐT đã có nhiều thay đổi trong việc lựa chọn các môn thi và hình thức thi. Vậy để đạt được kết quả cao trong kì thi ĐH, CĐ sắp tới thì các bạn học sinh và giáo viên cần phải lưu ý những điều sau:
Tập trung vào chương trình lớp 12
Thi tự luận hay trắc nghiệm thì học sinh vẫn phải vững các kiến thức căn bản. Nếu hình thức tự luận đề thi tập trung vào một số nhóm với kiến thức chuyên sâu thì thi trắc nghiệm kiến thức lại rải rộng và nằm ở bất cứ mảng nào của chương trình.
Năm nay đề thi chỉ thuộc phạm trù kiến thức lớp 12. Ở thời điểm này, nhiệm vụ quan trọng nhất đối với học sinh là nắm chắc kiến thức căn bản kết hợp với làm quen hình thức thi trắc nghiệm.
Học cho đúng cách
Học sinh phải biết học cho đúng cách, học cách tư duy và phương pháp suy luận chứ không phải là học vẹt hay theo cách nhớ chi tiết, kiểu đoán mò như vậy rất nhanh quên các chi tiết.
Khi làm bài trắc nghiệm học sinh cần đọc nhanh và biết phân loại, phân nhóm các câu hỏi, xác định các câu hỏi nào thuộc nhóm thế mạnh của mình và giải các câu hỏi đó.
Phải học cách suy luận và viết nhanh
Trong quá trình làm bài, học sinh cần phải rèn luyện khả năng tư duy, suy nghĩ nhanh bởi vì số lượng câu hỏi thi là rất nhiều.
Có những bài không cần làm ra hết các bước nhưng qua một vài thao tác nháp có thể loại trừ được một vài phương án và sau đó bằng việc phân tích, vận dụng các kiến thức liên quan để đi đến chọn đáp án cuối cùng. Thi trắc nghiệm bạn cần phải phân tích và xử lý nhanh.
Với những câu dễ ở mức độ nhận biết cần tranh thủ làm thật nhanh để nhường thời gian cho các câu hỏi khác.
Với các môn cần sử dụng đến máy tính bỏ túi thì thí sinh cần lưu ý đến kỹ năng xử lý máy tính cũng giúp nhiều trong việc có thể kiếm điểm. Ngoài kiến thức, khả năng sử dụng máy tính thành thạo là một lợi thế trong khi đi thi.
Những lời khuyên chung
Dưới đây là lời khuyên chung cho việc ôn tập cho mọi môn học và mọi hình thức thi:
1. Nhìn lướt qua toàn bộ các chương trình để nắm được chủ đề và vấn đề trọng tâm cần được giải quyết ở mỗi chủ đề.
2. Xác định các khái niệm cơ bản và hiểu rõ định nghĩa của các khái niệm này trong mỗi chủ đề
3. Nắm chắc và thực hành thành thục các phương pháp để giải quyết những vấn đề đã được đặt ra cho mỗi chủ đề
4. Tự kiểm tra sau mỗi bài học (theo mỗi chủ đề) bằng các bài trắc nghiệm đã được bên soạn sẵn. Có thể sử dụng các tài liệu do giáo viên môn học giới thiệu hoặc được bán ở các hiệu sách; điều quan trọng là hãy thực hiện đều đặn hàng ngày.
5. Thường xuyên trao đổi với bạn bè cùng lớp, các thầy cô để có được những cách giải quyết khác nhau cho cùng một vấn đề.
6. Ghi nhận những lỗi sai của mình rồi tìm hiểu nguyên nhân và thỉnh thoảng lại tự kiểm tra lại để xem mức tiến bộ của chính mình ra sao.
Hãy ôn luyện từ từ và đều đặn, nhẫn nại, kiên trì, tự lấp đầy các lỗ hổng kiến thức của bản thân; trao đổi với bạn bè, thầy cô; tự vạch ra mục tiêu, kế hoạch khả thi và tự mình thực hiện những gì đã vạch ra. Đó là những lời khuyên cho các em với bất kỳ hình thức thi nào, mà đặc biệt là hình thức thi trắc nghiệm.